So sánh thang máy chữa cháy với thang máy có tính năng pccc

Nhiều người làm trong ngành thang máy có thể vẫn nhầm lẫn giữa thang máy chữa cháy và thang máy có tính năng phòng cháy chữa cháy (pccc). Bài viết này sẽ phân biệt sự khác nhau này và cung cấp chi tiết các tiêu chuẩn về thang chữa cháy theo tiêu chuẩn TCVN 6396-72:2010 (EN 81-72:2003).

 

Nội dung

Tính năng thang máy chữa cháy so với thang máy có tính năng phòng cháy chữa cháy

Thang máy chữa cháy là thang máy đặc dụng, mang những chức năng nhất định, cần thiết, được dùng để chữa cháy khi xảy ra sự cố hoả hoạn trong toà nhà. Đây là loại thang máy có chức năng bảo vệ sự an toàn của lính cứu hoả cũng như giúp lính cứu hỏa thực hiện công viện chữa cháy và sơ tán người dân trong trường hợp có cháy.

Thang máy có tính năng pccc là thang máy thông thường nhưng có thêm một số tính năng nhất định để giúp thang có thể thực hiện được một số hoạt động sơ tán khi có cháy xảy ra. Thang máy này không phải là thang dùng để chữa cháy chuyên dụng.

So sánh hoạt động của thang máy chữa cháy và thang máy có tính năng phòng cháy chữa cháy

Với thang chữa cháy, khi có hỏa hoạn xảy ra, thang vẫn có thể hoạt động bình thường nhờ nguồn điện phụ. Với các tính năng đặc biệt về vật liệu chịu lửa, chịu nhiệt, khả năng ngăn khói… thang máy chữa cháy chính là phương tiện di chuyển của lính cứu hỏa trong tòa nhà khi làm nhiệm vụ.
Ngược lại, với thang có tính năng phòng cháy chữa cháy (tính năng tùy chọn FE theo ký hiệu của Shanghai Mitsubishi) thì khi có tín hiệu báo cháy, thang được đưa về tầng cài đặt trước. Ngoài ra, hành khách hoặc lính cứu hỏa trong cabin vẫn có thể điều khiển cabin đến các tầng an toàn. Lưu ý, chỉ người trong cabin mới có thể điều khiển được thang máy này đi đến các tầng cần thiết bằng cách bấm giữ nút trong cabin; các bảng gọi tầng ở sảnh các tầng đều đã bị vô hiệu hóa. Tuy nhiên, đây không phải là thang chữa cháy chuyên dụng nên chỉ có tác dụng sơ tán hành khách.
Các thang máy thông thường hiện đại được trang bị tính năng tùy chọn FER. Với tính năng này, khi có tín hiệu báo cháy, tất cả các cuộc gọi tầng và cuộc gọi trong cabin sẽ bị hủy, cabin ngay lập tức được đưa về tầng cài đặt trước, thường là tầng 1 hoặc sảnh và cửa mở cho hành khách thoát ra ngoài. Đây chỉ là tính năng cơ bản trong phòng cháy chữa cháy, hành khách vẫn có thể gặp nguy hiểm nếu tầng cài đặt là nguồn gây cháy.

Tiêu chuẩn thang máy chữa cháy

Tài liệu viện dẫn TCVN 6396-72:2010 (EN 81-72:2003), điều 72 – Thang máy chữa cháy.

Kích thước và tải trọng thang máy chữa cháy

Kích thước của thang chữa cháy phải được ưu tiên lựa chọn từ TCVN 7628-1 (ISO 4190-1). Kích thước chiều rộng cabin thang máy không được nhỏ hơn 1100 mm, kích thước chiều sâu không được nhỏ hơn 1400 mm và tải trọng định mức không được nhỏ hơn 630 kg theo quy định TCVN 7628-1 (ISO 4190-1)

Tốc độ thang máy chữa cháy

Thang chữa cháy phải đi tới tầng cao nhất so với tầng phục vụ chữa cháy trong thời gian 60s, tính từ các cửa thang máy được đóng hết.

Thiết bị điện trong hố thang

Thiết bị điện trong giếng thang của thang chữa cháy và trên cabin phải được bố trí trong phạm vi 1 m từ bất cứ thành hố thang nào có chứa cửa tầng, phải được bảo vệ tránh bị nước nhỏ giọt hoặc tránh tia nước phun hoặc được bao che có cấp bảo vệ ít nhất là IPX3 theo EN 60529:1991.
Tất cả thiết bị điện được bố trí cách sàn hố giếng thang nhỏ hơn 1,0 phải được bảo vệ tới cấp IP67. Không giống như yêu cầu của TCVN 6395:2008 và TCVN 6396-2:2009 (EN 81-2:1998), ổ cắm và đèn chiếu sáng thấp nhất của giếng thang cũng phải được bố trí cách mức nước cho phép cao nhất trong hố giếng thang ít nhất là 0,5m.

Cửa thang máy chống cháy

Cửa cabin và cửa tầng trượt theo phương nằm ngang và phải vận hành tự động.

Chiều rộng nhỏ nhất của lối vào cabin (chiều rộng khi cửa cabin mở hết cỡ) phải đạt 800mm.

Hệ thống điều khiển trong thang chữa cháy

Công tắc của thang chữa cháy phải được bố trí trong hành lang được dự định sử dụng làm tầng phục vụ chữa cháy. Công tắc phải được bố trí cách thang chữa cháy trong khoảng 2 m theo phương ngang và cao từ 1,8m đến 2,1 m so với sàn. Sử dụng công tắc phù hợp, phải được ghi rõ là thang chữa cháy kèm hình minh họa của thang máy chữa cháy phù hợp, thông thường màu đỏ.

Công tắc của thang chữa cháy phải được mở bằng chìa khẩn cấp hình tam giác như đã quy định trong Phụ lục B của TCVN 6395:2008 và TCVN 6396-2:2009 (EN 81-2:1998). Các vị trí làm việc của công tắc phải là hai vị trí ổn định và được ghi dấu rõ ràng “1” và “0” hoặc On/off. Ở vị trí “1”/On chế độ phục vụ của lính chữa cháy được kích hoạt.

khoa-thang-may-chua-chay-ngoai-sanh
Có hai pha phục vụ; Có thể sử dụng một bộ điều khiển bổ sung ở bên ngoài hoặc tín hiệu vào chỉ để đưa thang máy chữa cháy tự động trở về tầng phục vụ chữa cháy và giữ cho thang máy chữa cháy ở tầng này với các cửa được mở. Công tắc của thang máy chữa cháy vẫn phải được vận hành tới vị trí “1” để hoàn thành hoạt động của pha 1.

Pha 1: Gọi ưu tiên đối với thang chữa cháy
Pha này có thể được kích hoạt bằng tay hoặc tự động. Việc kích hoạt này phải bảo đảm các yêu cầu sau:
– Dừng hoạt động tất cả các bảng điều khiển tại tầng dừng và điều khiển trong cabin thang máy cứu hỏa và tất cả các cuộc gọi đã đăng ký hiện có phải được hủy;
– Cửa phải được mở và các nút báo động khẩn cấp phải ở vị trí được kích hoạt;
– Thang máy chữa cháy phải vận hành độc lập với tất cả các thang máy khác trong nhóm;
– Khi đi tới tầng phục vụ chữa cháy, thang máy chữa cháy phải được giữ lại ở đây và cửa cabin và cửa tầng phải ở vị trí mở;
– Hệ thống thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy như đã quy định phải hoạt động;

Pha 2: Sử dụng thang máy dưới sự điều khiển của lính chữa cháy
Sau khi thang chữa cháy đã đỗ lại tại tầng phục vụ chữa cháy với các cửa được mở thì việc điều khiển sẽ được thực hiện hoàn toàn từ bảng điều khiển của cabin và phải đảm bảo các yêu cầu sau:
– Khi pha 1 đã được bắt đầu bởi một tín hiệu từ bên ngoài thì thang máy chữa cháy không được hoạt động tới khi công tắc của thang chữa cháy được vận hành;
– Chỉ có thể đăng ký được 01 cuộc gọi cabin/1 lần;
– Khi có lệnh gọi, cabin phải di chuyển đến tầng gọi nhưng cửa cabin vẫn phải đóng;
– Nếu cabin đang đứng yên tại một tầng dừng, cửa chỉ có thể được mở nếu nhấn nút “mở cửa” với một lực không đổi. Nếu nút ấn “mở cửa” của cabin được nhả ra khi các cửa chưa được mở hoàn toàn thì các cửa phải tự động đóng lại. Khi các cửa được mở hoàn toàn thì chúng phải duy trì tình trạng mở tới khi có một lệnh mới được đăng ký trên bảng điều khiển của cabin.

Các thiết bị điều khiển cabin và tầng dừng

Các thiết bị điều khiển cabin và tầng dừng và hệ thống điều khiển gắn liền phải đảm bảo tốt kể cả khi có nhiệt độ cao, khói hoặc ẩm ướt, không được đăng ký các tín hiệu sai do ảnh hưởng của những yếu tố này.
Các thiết bị điều khiển cabin và tầng dừng, các bảng hiển thị trong cabin và tầng dừng và công tắc của thang chữa cháy phải được bảo vệ với cấp bảo vệ ít nhất là IPX3 theo EN 60529:1991.
Các bảng điều khiển tầng dừng phải được bảo vệ với cấp bảo vệ ít nhất là IPX3 theo EN 60529:1991, trừ khi chúng được ngắt điện lúc bắt đầu vận hành công tắc của thang chữa cháy.
Trong khi điều khiển Pha 2, thang máy cứu hỏa phải được vận hành bằng một bộ đầy đủ các nút bấm trong cabin. Phải đưa các hệ thống vận hành khác phải về trạng thái không hoạt động.
Ngoài việc đánh dấu tầng thông thường trong cabin, phải có sự chỉ dẫn rõ ràng tầng phục vụ chữa cháy ở trên hoặc liền kề với nút ấn của cabin dùng cho tầng phục vụ chữa cháy bằng hình minh họa.

Nut-bam-trong-cabin-thang-may-chua-chay

Hệ thống thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy

Thang máy cứu hỏa phải có một hệ thống liên lạc nội bộ hoặc một thiết bị tương tự dùng để nói chuyện với nhau khi thang máy cứu hỏa đang ở trong các Pha 1 và Pha 2, giữa cabin của thang máy chữa cháy và tầng phục vụ chữa cháy; giữa cabin và buồng máy của thang máy chữa cháy hoặc trong trường hợp thang máy không có buồng máy, tại các bảng vận hành khẩn cấp như quy định trong TCVN 6395:2008 và TCVN 6396-2:2009 (EN 81-2:1998). Khi có buồng máy thì chỉ cần hoạt động micro bằng cách ấn vào nút điều khiển trên micro.
Thiết bị thông tin liên lạc bên trong cabin và tại tầng phục vụ chữa cháy phải là micro và loa chứ không phải là máy điện thoại cỡ nhỏ.
Đường dây dùng cho hệ thống thông tin liên lạc phải được lắp đặt gọn gàng bên trong giếng thang.

Yêu cầu khác

Thang chữa cháy phải phục vụ cho mỗi tầng của tòa nhà.
Phải có một cửa sập khẩn cấp trên nóc của cabin với kích thước nhỏ nhất là 0,5m x 0,7 m. Riêng thang máy có tải trọng 630 kg thì cửa sập phải có các kích thước tối thiểu là 0,4m x 0,5m.
Lối vào bên trong cabin qua cửa sập phải luôn thông thoáng, không bị cản trở bởi vật cố định hoặc đèn chiếu sáng. Khi có lắp trần giả thì trần này phải mở ra được hoặc tháo ra được một cách dễ dàng mà không phải dùng đến các dụng cụ chuyên dụng. Các điểm tháo phải được nhận biết rõ ràng từ bên trong cabin.

 

Thang chữa cháy là thiết bị chuyên dụng phục vụ việc cứu người và của cải trong hỏa hoạn vì vậy thang phải đáp ứng các yêu cầu rất nghiêm ngặt. Ngoài các yêu cầu về thang máy như trên, để thang máy hoạt động hiệu quả thì còn rất nhiều yêu cầu khác liên quan đến khu vực xung quanh thang máy như giếng thang, hành lang cháy, phòng đệm thang… Hiện nay, ở Việt Nam, số lượng thang máy chữa cháy đáp ứng hết tất cả các yêu cầu trong Tiêu chuẩn quốc gia thì rất ít, có thể nói là gần như không có vì giá thành rất cao. Một giải pháp khả thi hơn là thang máy có tính năng chữa cháy với giá thành phải chăng, giúp sơ tán người trong tòa nhà nhanh chóng.

 

Bài viết bạn có thể quan tâm: Hướng dẫn cách sử dụng thang máy an toàn